Ngôn ngữ
Hợp tác quốc tế

1.  Liên minh gắn nhãn uy tín thế giới – WTA (World Trustmark Alliance)

     Trên thế giới đã hình thành một số tổ chức quốc tế liên kết các nhà cấp chứng nhận website thương mại điện tử uy tín như Liên minh các tổ chức cấp chứng nhận website thương mại điện tử uy tín toàn cầu (Global Trustmark Alliance - GTA), Liên minh các tổ chức cấp chứng nhận website thương mại điện tử uy tín Châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Trustmark Alliance – ATA) nay đổi tên là WTA, v.v… Đây là những nỗ lực quan trọng nhằm giải quyết một trong những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của thương mại điện tử qua biên giới về lòng tin đối với người tiêu dùng.

      Với nỗ lực của mình và được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, EcomViet - đơn vị chủ trì triển khai Hệ thống tiêu chuẩn trong giao dịch thương mại điện tử - SafeWeb đã được kết nạp làm thành viên chính thức của Liên minh gắn nhãn uy tín thế giới (WTA) vào tháng 6 năm 2008 với tên gọi cũ là TrustVn. Với việc tham gia Liên minh này, SafeWeb sẽ là nhãn hiệu được các tổ chức chứng thực khác trong WTA công nhận về mức độ uy tín, từ đó đem lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sở hữu website thương mại điện tử uy tín của Việt Nam.

2.  Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương - APEC

     Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu diễn ra ngày càng sâu sắc hơn và tính phi biên giới của thương mại điện tử, hợp tác quốc tế về các vấn đề liên quan tới thương mại điện tử được các quốc gia và các tổ chức quốc tế rất quan tâm. Đối với các tổ chức cấp chứng nhận website thương mại điện tử uy tín, việc hợp tác quốc tế giữa các tổ chức này là rất quan trọng, nó sẽ giúp người tiêu dùng ở một nền kinh tế có thể yên tâm mua sắm hàng hóa qua các website thương mại điện tử uy tín tại các nền kinh tế khác. Tranh chấp nếu có xảy ra giữa bên mua và bên bán ở các nền kinh tế khác nhau cũng sẽ được giải quyết có hiệu quả hơn thông qua cơ chế hợp tác quốc tế.

      Xác định được tầm quan trọng của bảo vệ thông tin cá nhân trong việc phát triển thương mại điện tử toàn cầu, tháng 11 năm 2004 các Bộ trưởng APEC đã phê chuẩn “Những nguyên tắc cơ bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thương mại điện tử của APEC” (APEC Privacy Framework) và “Hệ thống các nguyên tắc trong trao đổi dữ liệu các nhân xuyên biên giới” (Cross Border Privacy Rules System – CBPR), nhằm giúp các nền kinh tế thành viên xây dựng các cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân có hiệu quả mà không tạo ra các rào cản bất hợp lý đối với việc trao đổi thông tin, qua đó thúc đẩy kinh tế - thương mại trong khu vực phát triển bền vững.